Bệnh phổi tắc nghẽn tính - gánh nặng cho toàn xã hội

Bệnhphổi tắc nghẽn mạn tính, được gọi tắt là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Diseases). Hội lồng ngực Mỹ (ATS, 1995) định nghĩa COPD bằng tập hợp các bệnh: viêm phế quản mạn, khí phế thũng, hen phế quản có tình trạng tắc nghẽn đường thở không hồi phục hoàn toàn. Đó là tình trạng khó thở thường xuyên, mạn tính do tắc nghẽn đường thở với ba triệu chứng cơ bản là ho, khạc đờm, khó thở, và thường xuyên bị từng đợt nhiễm khuẩn, nhiễm virus làm cho bệnh nặng dần lên. 


COPD là bệnh ngày càng có xu hướng tăng cao. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2020, nguy cơ tử vong do bệnh COPD sẽ được xếp từ thứ 6 lên hàng thứ 3, chỉ sau bệnh thiếu máu cơ tim và bệnh mạch máu não. Tử vong do bệnh COPD gây ra chủ yếu do suy hô hấp, thiếu oxy mạn tính, suy tim do tăng áp động mạch phổi và suy kiệt.

Phổi của người mắc Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD


Tuy vậy, tỷ lệ người hiểu biết về bệnh này còn rất thấp. Tại Việt nam, theo điều tra toàn quốc của Bệnh viện Phổi Trung ương năm 2007, chỉ có khoảng 4,3% trong số 25.000 người được phỏng vấn biết về bệnh này. Số liệu điều tra cho thấy COPD chiếm tỷ lệ 4,2% dân số nam giới trên 40 tuổi và mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh (bằng dân số của 1 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng). Hàng năm, khoảng gần 30% người mắc bệnh phổi vào bệnh viện Phổi trung ương là do bệnh COPD. Mặc dù Bệnh viện đã có một khoa dành riêng cho bệnh COPD, nhưng luôn trong tình trạng quá tải.

Gánh nặng bệnh tật mà gia đình người bệnh và xã hội phải gánh chịu là rất lớn. Riêng chi phí y tế cho mỗi đợt điều trị đợt cấp của COPD phải vào viện có thể từ 30 - 50 triệu đồng. Nếu bệnh nhân không được chăm sóc quản lí tốt tại cộng đồng, có thể mỗi năm phải nhập viện từ 2-3 đợt. Số lần vào viện càng nhiều có nghĩa là “đường đến nghĩa trang càng ngắn”. COPD là một bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương bệnh lí làm thay đổi cấu trúc trong phổi không thể hồi phục được, song vẫn có thể dự phòng và kiểm soát bệnh.

Theo Cẩm nang phòng và điều trị các bệnh hô hấp mạn tính (NXB Lao Động – 2014)

Đăng nhận xét